Tận dụng tư duy phản biện để tạo nên sự khác biệt
Thời gian: 12/07/2023 16:24:59Tư duy phản biện là gì?
Tư duy phản biện hay Critical Thinking là kỹ năng tư duy logic thông qua quá trình dùng vốn kiến thức của bản thân để phân tích, đánh giá tính đúng đắn của thông tin. Từ đó, bạn có thể đưa ra một nhận định, một góc nhìn cá nhân đầy đủ và hoàn chỉnh hơn về các khía cạnh của vấn đề.
Người có tư duy phản biện sẽ biết cách tận dụng kiến thức, kinh nghiệm cùng sự quan sát, tìm hiểu để làm nền tảng cho những đưa ra lập luận khách quan, logic. Nhờ đó, họ sẽ giúp đưa ra những điểm thiếu sót, những điểm nhìn khác biệt và sáng tạo góp phần xây dựng cho thông tin được đưa ra.
Tư duy phản biện có 2 loại:
Thứ nhất, tư duy tự phản biện : tự đưa ra những lập luận, bằng chứng để phản bác lại những hành động, ý nghĩ của bản thân.
Thứ hai, tư duy phản biện ngoại cảnh: phân tích, đánh giá và phản bác về một vấn đề của tập thể trong một cuộc tranh luận có nhiều quan điểm khác nhau, từ đó đi đến kết luận chính xác nhất.
Tầm quan trọng của tư duy phản biện
Nâng cao kiến thức nền
Tư duy phản biện bắt nguồn từ nền tảng kiến thức và hiểu biết sâu rộng, đa chiều, khách quan của con người. Chính vì vậy, tư duy phản biện sẽ thúc đẩy mỗi cá nhân trong việc tìm tòi, học hỏi và trau dồi thêm những kiến thức mới, góc nhìn mới. Bên cạnh đó, một người có tư duy phản biện tốt sẽ biết cách chắt lọc thông tin và lắng nghe những quan điểm đa chiều của người khác về vấn đề đang được đưa ra. Điều này giúp họ có được một cái nhìn rộng và bao quát hơn, từ đó tiếp thu những ý kiến giá trị và nâng cao vốn hiểu biết của bản thân.
Cái nôi của sự sáng tạo đột phá
Tư duy phản biện đòi hỏi mỗi cá nhân cần phải biết cách lật ngược vấn đề và quan sát chúng từ nhiều khía cạnh để thấu hiểu và đưa ra những lập luận logic cho quan điểm của mình. Góc nhìn đa dạng mang tính phản biện cao sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và những ý tưởng mới mẻ. Khi vận dụng tư duy phản biện, trí tưởng tượng của con người sẽ được tận dụng tối đa, nhờ đó phát hiện được những suy nghĩ đột phá, khác biệt chứng tỏ năng lực của cá nhân.
Độc lập, bản lĩnh và tự tin
Tính độc lập trong suy nghĩ là một yếu tố tạo nên tư duy phản biện. Đứng trước một vấn đề, người có tư duy phản biện sẽ biết cách chủ động nhìn nhận vấn đề để đưa ra quan điểm và ý kiến của bản thân. Nhờ đó, họ cũng có được sự tự tin và thể hiện bản lĩnh trong đám đông khi dám đứng lên và đưa ra ý kiến của cá nhân, góp phần giải quyết vấn đề.
Giúp đưa ra quyết định tốt nhất
Tư duy phản biện yêu cầu con người phải đưa ra những lập luận chặt chẽ, thuyết phục, những dẫn chứng rõ ràng. Thông qua một quá trình đánh giá và suy xét kỹ càng từ nhiều mặt, tư duy phản biện giúp mọi người nhìn nhận vấn đề một cách tổng quát, từ đó cải thiện và khắc phục những lỗ hổng. Nhờ đó, kết quả công việc sẽ trở nên hoàn thiện hơn rất nhiều.
Cách rèn luyện tư duy phản biện
Học cách đặt câu hỏi trước vấn đề
Dù là quá trình tự phản biện hay tranh biện với đội nhóm trong một vấn đề, bạn cũng cần biết cách đặt ra câu hỏi hợp lý. Điều này sẽ giúp bạn phát hiện ra vấn đề mấu chốt và điểm thiếu sót trong vấn đề của mình, đồng thời truyền đạt và góp ý tới người khác một cách dễ hiểu nhất mà không mất quá nhiều thời gian. Một mẹo để rèn luyện kỹ năng này chính là tận dụng mô hình 5W-1H. Hãy đặt vấn đề trong mối quan hệ chặt chẽ của các yếu tố: What - cái gì?, When - khi nào?, Where - ở đâu?, Who - ai?, Why - tại sao?, How - như thế nào? Bằng cách này, bạn sẽ có được góc nhìn toàn diện về vấn đề đang đặt ra.
Luôn nghi vấn và kiểm chứng thông tin
“Qua nghi ngờ, ta tới gần sự thật.” – Marcus Tullius Cicero
Để nhìn nhận tổng quan về vấn đề, chúng ta cần học cách kiểm chứng mọi lập luận và dẫn chứng được đưa ra. Sự nghi ngờ với mọi thứ sẽ giúp bạn rèn luyện sự cẩn thận khi tin tưởng một thông tin nào đó, góp phần giúp logic của bạn trở nên chặt chẽ và đáng tin cậy hơn.
Khách quan trong mọi tình huống
Trong một cuộc tranh luận, bạn có quyền được đưa ra quan điểm của bản thân nhưng đồng thời phải học cách chấp nhận và lắng nghe lập luận của người khác. Sự khách quan sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề bằng lý trí thay vì cảm tính hay bản năng. Ngược lại, chủ nghĩa vị kỷ và sự kiêu ngạo sẽ giết chết tư duy đa chiều của bạn.
Thực hành trong đời sống
Cách thức tốt nhất để cải thiện tư duy phản biện của bạn đó chính là chăm chỉ thực hành. Hãy vận vận dụng tất cả những yếu tố trên vào những hoàn cảnh cần phản biện mà bạn thường xuyên gặp phải. Bằng cách tập thói quen đặt câu hỏi, nêu ra những suy nghĩ từ góc nhìn đối lập, kiểm chứng thông tin và dùng lập luận logic để đưa ra quan điểm, tư duy phản biện của bạn chắc chắn sẽ được nâng cao đáng kể sau một thời gian luyện tập.
_ Thu Uyên